KỸ THUẬT Ủ PHÂN HỮU CƠ

Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng giun quế

Thứ Năm - 10/05/2018 | 1234

Hiện nay, trên thế giới có nhiều mô hình nuôi giun quế: từ đơn giản như nuôi trong khay, chậu trên một diện tích nhỏ, đến nuôi trên đồng ruộng (có hoặc không có mái che), hay nuôi trong những nhà nuôi kiên cố… nhưng nhìn chung, các mô hình này đều phải đảm bảo được những yêu cầu kỹ thuật phù hợp với đặc điểm sinh lý của giun quế.

1. Cách thả giống

Phải đảm bảo chất nền có các điều kiện thích hợp nhất trước khi thả giống (nếu dùng trùn giống thuần).

  • Thả giống thuần

Số lượng và mật độ trùn vào khoảng 0,8 – 1 kg trùn giống/ m2 chất nền (khoảng 8.000 – 10.000 con/ m2).

Cách thả: gạt bằng phẳng bề mặt ô nuôi, trùn giống được đặt theo từng cụm hoặc tạo luống và rải đều trùn vào các rãnh chất nền. Sau một giờ trùn sẽ tự động phân tán lẫn trong đất. Sau đó dùng nước tưới phun sương trên bề mặt chất nền. Nên thả giống vào buổi sáng để ban đêm trùn ổn định và ăn khỏe.

  • Thả sinh khối

Sinh khối thả trùn hiệu quả nhất với mật độ 20-30 kg sinh khối/ m 2, tương đương 1-1,5 kg trùn/ m2 (khoảng 7.000 – 10.000 con/ m2 ). Mới đảm bảo 30 ngày cho một lần thu hoạch. Thông thường thả trùn bằng sinh khối là hiệu quả nhất.

Khi thả sinh khối ta để thành từng cụm, không được rải mỏng, sau hai giờ thì tưới nước. Sau 1 ngày thì có thể cho ăn.

 

                                                          

 

2. Cách chăm sóc và nuôi dưỡng trùn quế

  • Cho ăn

Một tuần đầu sau khi thả giống không cần cho trùn ăn, nên để trùn ăn hết chất nền mới (đối với thả giống thuần). Từ tuần thứ hai trở đi mới cho ăn, sau khi cho ăn cần kiểm tra 2-3 ngày một lần, nếu thấy hết thức ăn thì mới tiếp tục cho ăn. Thường lượng thức ăn hằng ngày bằng trọng lượng trùn.

Cách cho ăn: rải một lớp thức ăn dày khoảng 5-6 cm trên bề mặt ô nuôi. Không nên rải thức ăn lên toàn bộ bề mặt mà cho ăn thành từng cụm tránh hiện tượng thức ăn quá khô hoặc quá lỏng. Không nên cho ăn khi lượng thức ăn cũ còn nhiều. Nếu thức ăn còn nhiều và tồn động bên dưới, trùn sẽ tập ăn và sống ở tầng dưới làm giảm khả năng sinh sản.

Chú ý: khi mới thả trùn lượng trùn sẽ giảm nhiều do tác động của môi trường, nên giảm lượng thức ăn và pha loãng thức ăn hơn so với bình thường.

Thời gian cho ăn: mùa hè từ 3 – 5 ngày cho ăn một lần lượng thức ăn trên mặt luống dày 2-3 cm. Vào mùa mưa cho ăn với lượng ít hơn, dày khoảng 5 cm và bón đầy luống trùn, thời gian cho ăn thưa hơn mùa hè. Khi thấy một lớp trắng phủ trên bề mặt luống nuôi lúc đó trùn đã ăn hết thức ăn,tiếp tục cho trùn ăn.

Mỗi ngày trùn tiêu thụ một lượng thức ăn tương đương với trọng lượng cơ thể chúng. Thức ăn của trùn rất đa dạng gồm: phân bò, phân trâu, phân heo, phân de, phân gà, rơm rạ, cỏ khô, rác thực phẩm phân hủy.

Do trùn quế thiếu răng và không đủ enzyme tiêu hóa nên trùn dựa vào vi sinh vật như: Vi khuẩn, nấm phân hủy chất hữu cơ thành những phần mềm thành dạng nhỏ hơn giúp trùn dễ tiêu hóa. Ngoài ra có một số sinh vật khác như: Ấu trùng ruồi lính đen, mọt gỗ... sẽ phân hủy chất hữu cơ, những mảnh cellulose thành chất dễ tiêu đồng thời phân của chúng cũng là thức ăn cho trùn.

  • Tưới nước

Khâu tưới nước giữ độ ẩm cho trùn quế rất quan trọng, độ ẩm yêu cầu thích hợp cho trùn quế phát triển từ 70 – 80%. Nếu khô quá trùn sẽ ít ăn phân và phát triển chậm, nếu luống trùn dư nước thì trùn sống tập trung trên bề mặt nhiều, lượng trứng nở ra thấp do bị úng gây thối ảnh hưởng tới sự nhân giống của trùn.

Ngày hanh khô nóng nên tưới mát cho trùn, ngày mưa rét không cần tưới. Muốn kiểm tra độ ẩm thích hợp, lấy một nắm thức ăn hay chất nền bóp nhẹ, nếu ứa nước ở kẽ ngón tay là vừa. Nếu nước nhỏ giọt hoặc chảy thành dòng là quá ẩm. Khi quá ẩm điều chỉnh bằng cách giảm cho ăn đặc hơn.

3. Thu hoạch trùn quế

Sau khi thả giống vào 2 tháng và mật độ trùn trong ô tăng gấp đôi thì tiến hành thu hoạch trùn, sinh khối và phân trùn hoặc nhân đôi ô nuôi để tiếp tục mở rộng qui mô, từ đợt thu hoạch thứ hai trở đi, thời gian thu hoạch sẽ rút ngắn 30 – 45 ngày nếu mật độ giống thả và kỹ thuật chăm sóc tốt.

 

  • Thu hoạch trùn bằng mồi nhử

Sau khi trùn đã ăn hết thức ăn, ngưng tưới nước 1 ngày trước khi bắt trùn. Để thu hoạch con trùn ta tiến hành cho trùn quế ăn thức ăn loãng và mỏng vào buổi chiều, trùn rất nhạy cảm với mùi thức ăn mới và gom lại xung quanh nơi có thức ăn trên bề mặt ô nuôi, tối trùn sẽ lên ăn và sáng ra ta sẽ thu hoạch khoảng 10cm trên bề mặt, nơi tập trung lượng trùn nhiều nhất sau khi nhử mồi. Bên ngoài luống, trại nuôi trùn ta tiến hành phủ một lớp bạt có chiều dài tương đương với luống nuôi sau đó lấy toàn bộ lớp sinh khối bề mặt vừa mới lấy rãi đều theo chiều dài của lớp bạt, sau đó gạt lấy lớp phân bỏ ngược trở lại vào luống nuôi trùn và trùn sẽ chui và gom thành cụm bên dưới, sau khi gạt lấy hết phân cho vào luống nuôi lại thì chúng ta thu hoạch các cụm trùn thịt nằm còn lại trên nền bạt lót phía ngoài.

  • Thu hoạch nhờ ánh sáng

Thu hoạch trùn vào buổi sáng, lấy khoảng 10cm bề mặt ô nuôi, đổ sinh khối ra một tấm bạt rộng ngoài nắng, theo 1 hàng dài. Lợi dụng đặc điểm sợ ánh sáng của con trùn, trùn sẽ tự động chui xuống dưới khi gặp ánh sáng, ta dùng dụng cụ hay dùng tay gặt lớp phân bên trên, khi đó trùn bị lộ ra ánh sáng tiếp tục chui xuống dưới, ta tiếp tục gặt lớp phân bên trên,…..tiến hành như thế nhiều lần để loại bỏ hết phân trùn ta sẽ thu được toàn bộ con trùn, nó quấn thành cục, ta thu hoạch trùn dễ dàng.

 

 

Facebook Twitter Google+

Ý kiến của bạn về chúng tôi, xin cảm ơn và mời bạn

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.